40 NĂM TUỔI ĐỜI, 31 NĂM TUỔI NGHỀ
LIÊN GIANG
Sinh năm 1975, năm nay vừa tròn 40 tuổi, song anh đã có 31 năm trong nghề điêu khắc gỗ. Tại cơ sở làm việc của anh hiện tại, hơn 80% các sản phẩm là tượng gỗ Công giáo. Luôn tất bật với những đơn đặt hàng từ các nhà thờ, xứ đạo… nhưng anh vẫn tâm niệm, mình không đặt nặng chuyện thương mại mà cốt lõi vì cái tâm dành cho nghệ thuật Thánh.
Nỗ lực của một nghệ nhân con nhà đạo
Đó chính là nghệ nhân Duy Chinh (tên thật là Nguyễn Văn Chinh), hiện ngụ tại giáo xứ Trung Chánh (Hóc Môn, TPHCM). Anh vốn là người con của địa phận Bùi Chu (Nam Định). Từ năm 9 tuổi, cậu bé Chinh đã tập tễnh vào nghề điêu khắc, cùng ngồi làm với bố. Bốn năm sau, khi 13 tuổi, Chinh đã có thể tự làm một mình những phần chính của bức tượng thay bố. Lúc ấy, cậu đi học văn hóa một buổi, còn một buổi đi làm. 100% sản phẩm mà hai cha con Chinh “tác nghiệp” đều là tượng gỗ Công giáo được các nhà thờ, giáo dân trong địa phận Bùi Chu đặt làm…
Vào Sài Gòn lập nghiệp từ năm 2003, Duy Chinh mở xưởng điêu khắc tại Trung Chánh – Hóc Môn và từng bước gầy dựng cơ sở làm việc của mình. Giờ đây, cái tên Duy Chinh trong làng điêu khắc tượng Công giáo đã trở nên thân quen, được nhiều người biết tới. Sản phẩm của Duy Chinh đã có mặt ở nhiều giáo xứ, gia đình trong và ngoài giáo phận TPHCM, một số còn được xuất khẩu đi các nước. Ngoài cơ sở chính ở Hóc Môn, anh còn phát triển thêm hai cửa hàng: một ở Tắc Sậy (Giá Rai, Bạc Liêu) chuyên bán hàng lưu niệm là những sản phẩm điêu khắc Công giáo phục vụ cho khách đi hành hương – viếng mộ cha Trương Bửu Diệp; hai là cửa hàng bán đồ gỗ nội thất tại quận 2 (TPHCM). Hồi tưởng lại những ngày đầu mới theo nghề cho đến giờ, đã hơn 30 năm, nghệ nhân Duy Chinh tự hào vì mình không tốt nghiệp từ trường lớp chính quy nào về điêu khắc mà lớn lên chính từ cái nôi gia đình – nơi mà nghề “đục đẽo gỗ” đã trở thành cái nghiệp từ thời ông nội rồi đến cha và được truyền lại cho anh. “Đây là nghề gia truyền, nhưng để làm và theo nghề được một cách bền bỉ cho đến nay, phải nói là tôi được Chúa ban cho mình cái năng khiếu từ nhỏ. Có lúc nghĩ mình như người được Chúa chọn để làm về nghệ thuật Thánh vậy”, Duy Chinh chia sẻ.
Ở tuổi 40, tay nghề dường như đã chín muồi, dù tự tin với khả năng của mình trong lĩnh vực điêu khắc gỗ, nhất là với tượng Công giáo, song nghệ nhân Duy Chinh cho biết, anh vẫn nỗ lực từng ngày bởi nghệ thuật rất bao la, phải luôn khám phá, tìm tòi, trau dồi để mỗi lúc một tiến bộ hơn. Là một Kitô hữu theo con đường làm nghệ thuật, việc cầu nguyện vẫn gắn với đời sống thường ngày của anh. Nhất là khi bắt tay vào công việc, Duy Chinh vẫn xin Chúa soi sáng để tạo ra những tác phẩm có hồn. Theo anh, một bức tượng mỹ thuật Công giáo chính là hình ảnh của Chúa, của Đức Mẹ hay các Thánh thể hiện trên gỗ. Vì thế, khi hoàn thành, tượng không còn là gỗ nữa mà ẩn chứa cả sức sống, cái hồn của mỗi hình ảnh ấy. Và người điêu khắc cũng phải luôn phấn đấu để đạt được điều này.
Sử dụng “nén bạc” Chúa trao…
Không chỉ bó hẹp trong phạm vi nhà đạo, Duy Chinh còn được các tổ chức, hiệp hội nghề biết tới. Ngày 12.9.2010, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, anh đã vinh dự được ông Phạm Thế Duyệt (nguyên chủ tịch UBMTTQVN) và Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ (nguyên thứ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) trao kỷ niệm chương công nhận “Nghệ nhân quốc gia”. Cũng trong dịp này, tác phẩm “Bữa tiệc ly mười hai Thánh tông đồ” của anh đã được Hội đồng Khoa học – Công nghệ, Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam trao tặng giải “Bàn tay vàng”. Trong chương trình tôn vinh “Thương hiệu truyền thống và báu vật gia truyền” diễn ra tại Hà Nội ngày 12.12.2012, Duy Chinh cũng nằm trong danh sách các nghệ nhân được nhận “Thương hiệu nghề truyền thống Việt Nam 2012”. Tháng 3.2014, anh được Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.Hồ Chí Minh cử đi tham gia triển lãm văn hóa gỗ quốc tế, tổ chức tại Trung Quốc, quy tụ các thành viên đại diện từ 68 quốc gia trên thế giới. Đến đây, các nghệ nhân từ mỗi nước đã cùng nhau “trổ tài” qua việc điêu khắc một tác phẩm gỗ tại chỗ. Duy Chinh đã thể hiện thành công tác phẩm “Gánh hàng rong” với những đường nét tinh xảo về nghệ thuật và giới thiệu được nét văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới. Bức điêu khắc này được người xem bầu chọn là một trong những tác phẩm đẹp nhất ở cuộc triển lãm.
Mong được đóng góp khả năng của mình cho đạo và cho đời là điều nghệ nhân Duy Chinh luôn thao thức. Anh ý thức được cái sở trường Chúa ban cho mình trong nghệ thuật như một nén bạc và phải có trách nhiệm làm cho nó sinh lời để góp phần tô điểm cho cuộc sống đẹp hơn mỗi ngày. Được biết, các cuộc triển làm mỹ thuật tôn giáo trong giáo phận, Duy Chinh đều tham gia với ít nhất một tác phẩm tâm đắc. Anh cũng nhiệt tình vào cuộc với chương trình làm 400 phù điêu “Chúa Thăng Thiên” tặng các học viên khóa Mục vụ truyền thông K1 vào ngày Thế giới truyền thông 16.5.2010 tại Trung tâm mục vụ Tổng giáo phận TPHCM. Và gần đây, nghệ nhân này đã có sáng kiến thiết kế những cây gậy gỗ dành tặng riêng cho các Đức Giám mục như một món quà. Vừa đảm bảo tính mỹ thuật, vừa trang trọng và nhẹ nhàng, có thể xếp lại gọn gàng trong những chuyến đi đây đó… là đặc điểm của các cây gậy ấy. Anh cho biết, hiện đã tặng món quà này cho một số Đức cha và được các ngài đón nhận một cách vui vẻ, trân trọng.
Để toàn tâm toàn ý với công việc, nghệ nhân Duy Chinh xem gia đình như một điểm tựa, anh bộc bạch: “Gia đình hòa thuận, hạnh phúc thì tư tưởng mình mới thoải mái để tập trung cho các tác phẩm, mới có động lực và yên tâm để nâng cao tay nghề…”. Và anh vẫn tạ ơn Chúa vì được sống trong một gia đình hạnh phúc với người vợ giữ vai trò “hậu phương”, với ba con (hai trai, một gái) ngoan hiền. Duy Chinh chưa biết có “truyền nghề” lại cho các con hay không vì hiện chúng hãy còn nhỏ, nhưng trước mắt, những “đệ tử” cùng sát cánh với anh gần 20 năm nay đã có thể nối nghiệp anh. Với người nghệ nhân này, có lẽ nghề nghiệp không nhất thiết cứ phải “cha truyền con nối” nữa mà miễn là tinh hoa của nghề được gìn giữ, lan tỏa, phát huy là được…